Đánh giá Chiến_dịch_Tây_Xuyên

Việc đánh chiếm Ích châu nằm trong chiến lược của không chỉ Lưu Bị, mà còn của cả Tôn Quyền. Nhưng Lưu Bị có lợi thế địa bàn liền kề, và có cơ hội là lời mời của Lưu Chương. Mặc dù trong hàng ngũ quan lại, tướng sĩ Tây Xuyên có không ít người nghi ngờ Lưu Bị và can ngăn Lưu Chương (như Hoàng Quyền, Lưu Ba, Vương Lũy), nhưng có ý kiến cho rằng: Lưu Chương không ngốc tới mức dâng Ích châu cho Lưu Bị, mà bản thân ông đã có toan tính khác. Vì nhân sự phức tạp ở Ích châu, một nửa là tập đoàn Đông châu do Lưu Yên mang ở Nam Dương vào và nửa kia là người bản địa Ích châu không hòa hợp, Lưu Chương lo sợ người bản địa chống đối ngay bên cạnh là lớn hơn cả, nên muốn mượn tay Lưu Bị là người cùng họ vào đóng quân để trấn áp quan lại bản địa; mặt khác để Lưu Bị đánh Trương Lỗ sẽ chiếm Hán Trung sẽ làm lá chắn phía bắc chống Tào Tháo cho Tây Xuyên[28]. Tuy nhiên, Lưu Chương không ngờ được rằng Lưu Bị không để mình chỉ huy, và hai thuộc hạ cốt cán Pháp Chính, Trương Tùng lại ngầm phản mình, vì thế trong diễn biến sự việc, Lưu Chương luôn ở thế bị động[28].

Về phía Lưu Bị, cũng có ý kiến cho rằng ông không nên đánh chiếm Tây Xuyên theo cách đã làm. Về mặt đạo lý, nếu không thể công khai mượn binh lực Lưu Chương để đông tiến đánh Tào Tháo với danh nghĩa "giúp nhà Hán" thì nên thẳng thừng coi Lưu Chương là kẻ địch, không cần tận dụng những tay trong như Trương Tùng, Pháp Chính mà mang quân đối đầu với quân Ích châu ngay từ đầu. Cái cách Lưu Bị làm là ban đầu kết thân với Lưu Chương, bằng lòng đánh Trương Lỗ, rồi đột nhiên trở mặt, lấy oán trả ơn, câu kết với thuộc hạ của Lưu Chương, là cách được xem là "không bằng hạ sách"[29].